Các chuyên gia cảnh báo khí sản sinh từ máy nổ trong không gian kín vô cùng nguy hiểm, có thể gây chết người. Nhiều tai nạn từ ngạt khí đã xảy ra.
Tiến sĩ Phạm Duệ, Giám đốc Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, máy phát điện hoạt động trong môi trường phòng kín vô cùng nguy hiểm. Nó sẽ cháy yếm khí, sinh ra loại khí độc là khí CO, nhanh chóng chiếm chỗ của oxy, hít vào sẽ gây ngạt. Đây là dạng ngạt tế bào, ngạt hệ thống, chữa rất khó. Những trường hợp này nếu không cấp cứu kịp thời, để thiếu oxy não lâu dẫn đến hôn mê, tử vong, cứu được cũng sẽ sống đời sống thực vật do não bị tổn thương.
Theo bác sĩ Duệ, Trung tâm chống độc từng tiếp nhận những trường hợp bị hôn mê do ngạt khí khi dùng máy phát điện tại nhà riêng. Từng có một bệnh nhân tại Hà Nội, xuống tầng hầm đổ xăng cho máy phát điện đang hoạt động trong ngày hè mất điện, anh bị ngạt khí ngất ngay tại chỗ, may được người nhà phát hiện đưa vào viện cấp cứu.
Ảnh minh họa
Ngoài ngạt khí do máy phát điện, hằng năm, Trung tâm chống độc còn tiếp nhận nhiều bệnh nhân ngạt khí do sưởi ấm bằng bếp than hoặc bếp củi trong phòng kín.
Phân tích về các trường hợp hôn mê, tử vong khi ở trong phòng kín có chạy máy phát điện, Phó giáo sư Trần Hồng Côn, khoa Hóa học, Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, thủ phạm chính khiến gây tình trạng này ngoài khí CO, còn có khí CO2. Tiến sĩ Côn giải thích, trong phòng kín, khi có động cơ chạy diezen là máy phát điện thì bao nhiêu nhiên liệu cháy sẽ sinh ra bấy nhiêu hàm lượng khí CO2. Nếu động cơ không tốt, lượng khí này sinh ra càng lớn hơn.
"Khí CO2 không mùi, không vị, không gây đau đớn nhưng sẽ nhanh chóng gây ngạt. Người hít nhiều CO2 sẽ sốc do thiếu oxy, họ sẽ chết bị động bởi ngay khi vừa cảm thấy ngột ngạt, mệt mỏi thì đã rơi vào tình trạng hôn mê. Bởi vậy những người này sẽ không thể có phản xạ thông thường là thấy ngạt thì chạy ra ngoài", ông nói.
Điều này chính phó giáo sư Côn từng gặp nhiều năm trước với trường hợp những thợ đào giếng. Người thợ khi đào giếng, xuống một độ sâu nào đó - nơi lớp đất có nhiều mùn lá cây - lượng khí CO2 thoát ra cao khiến họ nhanh chóng bị hôn mê. Một số người ở trên mặt đất thấy vậy ròng dây xuống cứu nhưng cũng bị bất tỉnh và tất cả đều tử vong.
Theo ông Côn, chết do ngạt khí CO2 là cái chết không báo trước nên rất nguy hiểm, nạn nhân không có thời gian để phản kháng.
Trong trường hợp ở trong phòng kín có chạy máy phát điện, nạn nhân còn có thể tử vong do ngạt khí CO. Nguồn CO được hình thành do quá trình cháy không hoàn toàn tạo nên. Hơi CO là một thứ hơi không mùi, không màu, là một chất độc cho máu và có tác dụng làm ngạt thở. Khi hít phải, khí CO sẽ cướp mất ôxy của hemoglobin trong máu khiến tế bào hồng cầu vẫn hoạt động nhưng không có oxy, làm nạn nhân nhanh chóng hôn mê, tử vong. Khi bị ngạt khí CO, nạn nhân cũng phản xạ bị động gần như ngạt CO2. Khám nghiệm tử thi có thể thấy nếu nạn nhân chết do ngạt khí CO thì da đỏ tía, còn ngạt CO2 thì da tái.
Phó giáo sư Trần Hồng Côn cảnh báo, khi đốt bất cứ nhiên liệu nào, dù là than, dầu, gas... tuyệt đối không thực hiện trong bầu không gian kín, phải có thông gió để tránh nguy cơ bị ngạt.
Tiêu đề đã được KhoaHoc.com.vn đổi lại.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét