Mục tiêu mà Apple Pay nhắm đến trong lĩnh vực thanh toán trực tuyến cũng tương tự như nước cờ mà trước đây huyền thoại Steve Job đã làm khi tung ra iPhone.
Khi tung ra Ipod vào năm 2001, Steve Jobs đã sớm nhận ra tiềm năng định vị lại ngành công nghiệp âm nhạc thế giới. Việc hàng trăm triệu chiếc Ipod được bán ra và kết nối với iTunes đã thành công đến mức "giết chết" các loại album, CD vốn đang thịnh hành thời kỳ bấy giờ và làm cho thị trường âm nhạc rẽ sang một hướng hoàn toàn khác, âm nhạc của thời đại kỹ thuật số lên ngôi.
13 năm sau, liệu lịch sử có lặp lại khi người kế nhiệm Steve Jobs - Tim Cook - tiết lộ kế hoạch lấn sân sang lĩnh vực tài chính, mà cụ thể là ngành thanh toán trực tuyến của Apple Pay? Trong một bài phát biểu chính thức, Tim Cook nhắc lại lời của người tiền nhiệm Steve Jobs "Thanh toán là một ngành kinh doanh khổng lồ với trị giá giao dịch hàng ngày khoảng 12 tỷ USD tính riêng tại Mỹ, tuy nhiên hạn chế lớn nhất của nó chính là hệ thống quẹt thẻ tay lỗi thời. Các ngân hàng, các công ty công nghệ và hàng nghìn nhà bán lẻ từng hi vọng vào một thiết bị di động thông minh có thể thay thế chiếc ví cầm tay nhưng chưa thành công".
Đây chính là thời khắc mà "thế hệ Ipod của ngành thẻ và thanh toán trực tuyến" ra đời. Các nhà phân tích kinh tế đều tin rằng, với thị phần và danh tiếng hiện có, Apple có đủ tiềm năng để làm được việc mà rất nhiều ông lớn công nghệ, trong đó có Google đang ấp ủ thực hiện.
Apple kiểm soát phần cứng và phần mềm của các thiết bị iPhone, tăng tính bảo mật qua việc nhận dạng dấu vân tay người dùng. Là công ty có giá trị lớn nhất thế giới, Apple có đủ khả năng để thuyết phục các ngân hàng cũng như doanh nghiệp áp dụng công nghệ thanh toán mới này. Việc Apple phải làm bây giờ là thuyết phục người tiêu dùng sử dụng Apple Pay và biết rằng một chiếc Iphone 6 có thể thay thế cho chiếc túi xách với hàng đống loại thẻ lỉnh kỉnh.
iTunes là một sản phẩm điển hình chứng minh, lợi nhuận mà Apple thu được chính là thua lỗ mà các đối thủ phải chịu. Tạp chí Wall Street nhận định thung lũng Silicon là lựa chọn số một dành cho những sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cũng như các công ty công nghệ coi ngân hàng là những nguồn thu lợi nhuận tiềm năng. "Họ (các công ty công nghệ) đều muốn hợp tác với chúng tôi" - Jamie Dimon, CEO của JPMorgan Chase, ngân hàng lớn nhất nước Mỹ tính theo giá trị tài sản cho biết.
Theo một nguồn tin chưa được thông báo chính thức, Apple sẽ thu một khoản phí khoảng 15 cents trên mỗi giao dịch trị giá 100 USD. Và nếu như điều này là sự thật, thì Apple sẽ thu được món hời lớn và nâng tầm vị thế của mình trong ngành thanh toán trực tuyến. "Điều đặc biệt là Apple đã làm được việc mà một gã khổng lồ như Google không thể. Chính điều này khiến cho Apple Pay trở thành độc nhất" - Dickson Chu, giám đốc phụ trách sản phẩm của Ingo Money, người đã từng làm việc cho Paypal tại Citigroup và tham gia vào dự án ví thanh toán điện tử của Google (Google Wallet).
Danh sách các đối tác của Apple Pay đã nói lên giá trị của thương vụ này: 11 nhà phát hành thẻ lớn nhất nước Mỹ (chiếm 83% thị phần) và nhiều nhà bán lẻ lớn như McDonald, Walgreens (với khoảng 220.000 nhà hàng tại Mỹ) sẵn sàng tiếp nhận các khoản thanh toán từ Apple Pay. Tuy nhiên, đây chưa phải là một danh sách hoàn hảo bởi nó còn thiếu tên của 2 nhà bán lẻ hàng đầu Walmart và Best Buy. Năm 2012, hai nhà bán lẻ này đã từng hợp tác thử nghiệm dịch vụ thanh toán trực tuyến trên di động của chính mình nhưng không thành công.
Công nghệ hiện đại đã cho phép khách hàng truy cập một thiết bị di động ngay tại cửa hàng (tương tự như Google Wallet), tuy nhiên nó vẫn chưa được áp dụng rộng rãi. Hay như hiện nay, nhiều ngân hàng đã sử dụng các mã token (dấu hiệu an toàn) sinh ra mật mã dùng một lần cho mỗi giao dịch thay vì phải dùng chữ ký hay mã PIN như trước đây. Nhiều người cho rằng Apple Pay chính là sự kết hợp hoàn hảo của 2 yếu tố này.
Tuy nhiên, hạn chế lớn nhất của Apple Pay chính là việc người dùng sẽ không thể chuyển tiền cho nhau hay công nghệ Bluetooth cho phép khách hàng có thể thực hiện thanh toán từ một địa điểm cách hàng chục mét, chứ không phải là vài centimet như hiện nay. "Trên thực tế, Apple Pay không có tính năng ưu việt gì về công nghệ so với các sản phẩm đi trước" - Hans Morris, Cựu chủ tịch của Visa và hiện đang là Giám đốc quản lý đối tác của Nyca Partners nhận định.
"Tuy nhiên, việc Apple đang gom các đối tác nhằm mục đích tạo sự cạnh tranh hơn là hợp tác, tương tự chiến lược họ đã làm với iTunes. Mọi người đều biết rằng công nghệ có thể thay đổi thói quen của người dùng. Và một khi Apple đã tập hợp được hệ thống đẩy đủ đối tác và người sử dụng, Apple Pay sẽ thành công" – ông Morris cho biết thêm.
Các ngân hàng sẵn sàng chấp nhận mất một khoản doanh thu với hi vọng Apple Pay sẽ được sử dụng rộng rãi nhằm gia tăng khối lượng giao dịch, kéo theo doanh thu tăng và giảm thiệt hại về lừa đảo do tính bảo mật được nâng cao.
"Mục tiêu chính mà Apple Pay nhắm tới là thị trường thương mại điện tử. Nếu có một công cụ giúp cho việc mua sắm diễn ra nhanh gọn và an toàn, thì không có lý do gì mà người tiêu dùng lại không đón nhận" - Jud Linville, Giám đốc trung tâm phụ trách thẻ của Citigroup cho biết.
Giống như các sản phẩm Ipod đã từng giết chết đĩa CD của thị trường âm nhạc, Apple hi vọng tiếp tục tiêu diệt hệ thống thanh toán bằng thẻ nhựa và giấy tờ. Và các ngân hàng kỳ vọng Apple Pay sẽ mang lại lợi nhuận cho họ, chứ không phải là đối thủ thay thế họ. "Apple đang chơi một ván bài nguy hiểm và đầy rủi ro. Họ có thể thắng, có thể thua. Nhưng họ là công ty duy nhất trên toàn thế giới dám làm thử. Apple không bao giờ ngại thực hành bất cứ điều gì" - Ben Milne, người sáng lập ra hệ thống thanh toán Dwolla cho biết.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét