Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ mới đây công bố bản đồ Sao Hỏa mới nhất, có thể cung cấp thông tin nghiên cứu quan trọng cho các chương trình khám phá hành tinh đỏ trong tương lai.
Bản đồ bao quát toàn bộ bề mặt hành tinh đỏ, kết hợp nhiều dữ liệu khác nhau và tiết lộ một số thông tin mới về Sao Hỏa. Các dữ liệu được tổng hợp từ ba tàu vũ trụ của NASA và chương trình thám hiểm Sao Hỏa của Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA).
Bản đồ địa chất của Sao Hỏa (trái) và bản đồ thể hiện độ cao trên bề mặt (phải). (Ảnh: USGS)
Theo NBC News, tấm bản đồ cho thấy bề mặt Sao Hỏa "già" hơn so với suy luận của các nhà nghiên cứu trước đây. Bề mặt hành tinh này trong giai đoạn đầu của Kỷ Noachis, đã hình thành với diện tích lớn hơn gấp ba lần so với dữ liệu bản đồ trước đó.
Kỷ Noachis là giai đoạn hình thành bề mặt cổ nhất hiện còn tồn tại trên Sao Hỏa. Trong giai đoạn này, bề mặt hành tinh bị ảnh hưởng bởi nhiều cú va chạm lớn, xói mòn trên diện rộng và có thể có sự hiện diện của nước.
Tấm bản đồ mang ý nghĩa xác nhận kết quả nghiên cứu cho rằng hành tinh đỏ vẫn tiếp tục có hoạt động địa chất cho đến nay. Sự thay đổi thời tiết trên hành tinh có liên quan đến nguồn gốc hình thành nước ở bề mặt, nước ngầm gần bề mặt và băng.
Các nhà khoa học của Cơ quan Vũ trụ Hàng không Mỹ (NASA) vẽ tấm bảo đồ Sao Hỏa đầu tiên vào năm 1978, sử dụng dữ liệu từ tàu thăm dò Mariner 9. Sau các nhiệm vụ thăm dò hành tinh đỏ, nhóm nghiên cứu từng vẽ nhiều bản đồ khác.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét