16 tháng 8, 2013

Những "bát nước đầy"

Lời nói như bát nước, đã hắt đi lại không thể nào lấy lại. Trong cuộc sống vợ chồng có những điều bạn nên cởi mở nói ra, nhưng cũng có những điều nên nhịn đi thì hơn. Đôi khi bạn cần phải suy nghĩ theo chiều hướng: "Không nói ra thì sẽ không làm tổn thương anh ấy".

"Mẹ anh, mẹ tôi..."

Quan hệ mẹ chồng - nàng dâu luôn là mối quan hệ nhạy cảm. Là con dâu, bạn không thể không có ý kiến gì về mẹ chồng, nào là mẹ chồng can thiệp thái quá vào công việc dạy dỗ con cái của bạn, nào là mẹ chồng cứ luôn soi bạn từng ly từng tý một, nào là mẹ chồng coi con trai của bà - tức là chồng bạn - như một cậu bé con... Tất cả những điều đó là bạn thấy khó chịu nhưng bạn chỉ có thể chất chứa những điều ấy ở trong lòng. Cho dù chồng bạn là người khơi mào những lời phàn nàn về mẹ anh ấy, bạn cũng không nên "hắt nước theo mưa" mà hùa vào làm gì.
Trước những tình huống như vậy, bạn cần phải hít thở thật sâu để kiềm chế. Bạn hãy nhớ rằng anh ấy có thể nói thoải mái vì đó là mẹ anh, nếu bạn phụ họa theo thì sẽ làm tổn thương quan hệ của hai vợ chồng. Ngược lại bạn cũng không nên quá "ca ngợi" mẹ đẻ của mình, gợi cho chồng ý nghĩ bạn ỷ lại và vẫn chưa thôi "bám váy mẹ".

"Buôn chuyện" về bạn bè

Phụ nữ hay vui vẻ kể cho chồng nghe về bạn bè mình, kể cả mặt tốt và mặt xấu. Nào là cô này lăng nhăng với ai, cô kia bỏ chồng theo trai ra sao... Bạn hồ hởi kể lể như vậy là đã vô tình khiến anh ấy nghĩ rằng bạn có quan điểm khá "thoáng" về chuyện không chung thủy. Mặt khác, nếu những chuyện riêng tư của bạn bè được bạn "buôn bán" lại với chồng một cách tỉ mỉ, anh ấy sẽ nghĩ: tại sao bạn lại biết được tất cả những chuyện đó?
Phải chăng bạn cũng thường kể những chuyện riêng tư của hai vợ chồng cho bạn bè nghe? Sau đó, khi gặp mặt bạn bè của bạn, anh ấy sẽ cảm thấy không thoải mái chút nào.

Chê bai "năng lực" của chàng

Bạn than vãn sự ham muốn và cách thể hiện của chồng trong "chuyện ấy" không được như hồi mới cưới, bạn so sánh rằng:"Trong phim người ta thường...", bạn bóng gió xa xôi về tuổi tác và sự kém cỏi... Anh ấy sẽ cảm thấy tổn thương và tức giận. Năng lực gối chăn bao giờ cũng là "gót chân Asin" của người đàn ông.
Hơn ai hết anh ấy sợ tuổi già vô cùng và luôn tìm kiếm những dấu hiệu dù là nhỏ nhất để có thể tự tin rằng mình vẫn còn sung sức. Những lời chê bai dù bóng gió xa xôi của bạn nhiều khả năng sẽ đẩy anh ấy đến chỗ đi tìm một cô "bồ nhí", để tìm lại tự tôn của người đàn ông. Dù anh ấy thế nào chỉ cần anh ấy cố gắng gây ấn tượng với bạn thì bạn cũng nên cổ vũ anh ấy.

Ám chỉ sự vô dụng

Chồng bạn bỏ lỡ cơ hội thăng tiến, tốt nhất bạn nên giúp anh ấy hướng tới những suy nghĩ lạc quan, tích cực kiểu như: "May mà anh không được bầu làm trưởng phòng, nếu không chắc anh bận tối mắt, chẳng còn thời gian để dành cho gia đình nữa..." Nếu bạn trách móc anh ấy là thất bại, hay là bạn cũng thở dài tiếc nuối, anh ấy sẽ càng stress hơn và hằn sâu tâm lý mặc cảm. Khi một người chồng muốn bạn là một người vợ thì bạn đừng tìm cách làm người lên kế hoạch công việc cho anh ấy.
Trái lại, những lời trêu đùa hài hước, sự lạc quan tin tưởng của bạn vào tương lai và thái độ bất cần không tiếc nuối của bạn sẽ là nguồn cổ vũ động viên vô giá cho chồng, khiến anh ấy tiếp tục phấn đấu.

Vấn đề tiền nong

Kiếm được nhiều tiền hơn chồng, vô tình bạn đã nói những lời nói rất chủ động như: "Anh muốn đi ăn ở nhà hàng nào, anh muốn mua thêm chiếc áo nào?"... Tất nhiên đó là ý tốt nhưng chồng bạn sẽ trách móc "kiếm nhiều hơn vài đồng mà đã vội lên mặt". Cũng như những ám chỉ về sự vô dụng, chồng bạn sẽ nghĩ bạn đang miễn cưỡng đầu ấp tay kề với "một người đàn ông đau khổ kiếm ít tiền"...

Đòi... ly hôn

Một độc giả kể rằng trước kia, mỗi lần hai vợ chồng cãi nhau, vợ của anh luôn đe dọa đòi ly hôn.
Và chiêu đe dọa này tỏ ra rất hữu dụng, vì lần nào anh cũng xuống nước mà làm lành trước. Nhưng cái gì cũng có giới hạn của nó. Đến một lúc anh cảm thấy quá mệt mỏi, cảm thấy cuộc hôn nhân dường như không có giá trị mấy đối với người vợ, cho nên cô suốt ngày đòi ly hôn như vậy... Thế là, trong một lần cãi nhau, không cần người vợ lên tiếng anh đã chủ động đòi ly hôn. Người vợ đau khổ quá, sinh bệnh... Một khi từ "ly hôn" xen vào quan hệ của hai người thì sẽ khiến cả hai người có suy nghĩ không còn tin tưởng vào nhau. Cho nên bài học rút ra là: trừ khi có cháy thật, nếu không, chỉ báo cháy giả thì sẽ gây nhiều phiền toái.

NGUYÊN PHONG

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét