22 tháng 8, 2008

Bí quyết giao tiếp...

I. BÍ QUYẾT NÓI CHUYỆN TRƯỚC ĐÁM ĐÔNG

Phần lớn mọi người xem việc phải nói chuyện trước đám đông là nỗi sợ hãi kinh khủng nhất. Nỗi sợ đó còn hơn cả sợ rắn, sợ đi máy bay, hoặc ngay cả sợ cái chết. Nhưng chúng ta không thể trốn tránh nó mãi. Nhiều người trong chúng ta có thể được mời ra trình bày một báo cáo, phát biểu trong buổi họp phụ huynh học sinh, nói lời chúc mừng trong lễ cưới. Làm sao để bạn có thể vượt qua những thử thách đó. Thật đơn giản chỉ với một chút thời gian luyện tập.

- Quy tắc quan trọng nhất trong việc nói chuyện trước đám đông là bạn phải biết mình nói gì. Điều này nghe có vẻ ngớ ngẩn, nhưng thông thường các “diễn giả” không hề có một ý niệm rõ ràng về những gì họ truyền đạt đến người nghe. Bạn cần phải biết chính xác bạn sẽ đưa người nghe đến đâu. Một khi đã biết, hãy liệt kê nó thành 3 hay 4 điểm chính và soạn bài nói của mình tập trung vào những điểm này thôi. Bạn không phải là một cuốn từ điển sống, việc đưa ra quá nhiều thông tin hay không đủ thông tin cũng đều dở như nhau.

- Thực hành, nhưng không cần quá nhiều: Liệt kê ra những gì bạn sẽ nói và tập nói 1 hay 2 lần. Sẽ rất hay nếu như bạn canh thời gian trong khi tập, việc đó sẽ giúp bạn kiểm soát được thời gian nói mà không sợ bị lố. Có thể sẽ có những phút ngẫu hứng tình cờ xảy ra làm bạn bất ngờ và làm khán giả thích thú. Bạn sẽ không còn muốn xuất hiện trước đám đông nếu bạn đã nói về một đề tài cả ngàn lần rồi, bạn sẽ cảm thấy chán và chẳng thèm để ý tới khán giả nữa. Bạn cũng nên lập kế hoạch sẽ mặc những gì. Chú ý rằng đó phải là bộ đồ mà bạn cảm thấy thoải mái khi mặc vào. Và điều quan trọng nhất, đó phải là bộ đồ mà bạn biết sẽ làm mình nổi bật. Quyết định trước việc mình sẽ mặc gì trong ngày diễn thuyết sẽ làm bạn bớt lo lắng hơn.

- Hãy là chính mình! Nhiều người cảm thấy cần phải rập khuôn theo phong cách của ai đó khi nói trước đám đông, đó là vì họ cảm thấy họ không đủ tự tin để lôi cuốn sự chú ý của khán giả. Một số cảm thấy bị “khớp” và nghiêm túc quá mức và quên rằng tính hài hước cũng là một công cụ quan trọng của diễn giả. Đừng nên chỉ tập trung vào vấn đề chính, đôi khi những giai thoại cá nhân hay những mẩu chuyện nhỏ cũng là một cách rất tốt để hòa nhập với khán giả.

- Khán giả là bạn bè! Khán giả luôn ở đó, bởi vì họ quan tâm tới những gì bạn sẽ nói và muốn nghe bạn nói về vấn đề đó. Họ muốn bạn phải làm tốt. Đừng nghĩ khán giả như là một khối người thù địch, hãy xem họ chỉ là một nhóm cá nhân riêng lẻ. Hãy cố gắng nhìn vào một ai đó một lúc. Khi nói chuyện với khán giả, tiếp thu những ý kiến phản hồi của họ để hoàn thành bài nói chuyện của mình.

- Bạn sẽ vượt qua thôi mà! Tôi chưa bao giờ từng nghe thấy có ai chết trên bục diễn thuyết cả. Bạn cũng không bị thở dốc, hụt hơi, quên mất tên mình hay bị nổi nóng. Đấy là những chuyện gây ám ảnh cho bất cứ ai phải đứng trước đám đông. Người ta gọi đó là cơn ác mộng của diễn viên. Việc đó hoàn toàn bình thường. Sử dụng một số kỹ thuật thư giãn trước khi bắt đầu. Bạn có thể tìm một nơi để nhảy lên nhảy xuống hoặc dậm chân thật manh, điều này sẽ giúp bạn cảm thấy vững vàng và giảm bớt căng thẳng. Lắc bàn tay và co duỗi nắm tay. Điều này sẽ làm tay bạn bớt run. Nếu run tay thực sự là một vấn đề thì hãy nắm lấy một tấm danh thiếp hay nắm vào bục diễn thuyết khi nói chyện. Lè lưỡi ra, trợn mắt và há miệng to hết cỡ, sau đó nhăn tít mặt lại. Việc này sẽ làn thư giãn các cơ mặt của bạn. Hít thật sâu và thở mạnh ra tiếng để làm ấm giọng của bạn. Tưởng tượng như bạn đang ở trên một đám mây, không gì có thể làm hại đến bạn khi bạn đang ở trong đó. Hãy cố gắng giữ hình ảnh ấy trong đầu khi bạn đang đứng trên diễn đàn. Sẽ trở nên dễ dàng hơn! Nói chuyện trước công chúng càng nhiều, việc đó càng trở nên dễ dàng hơn. Có khi bạn còn cảm thấy thích nữa ấy chứ!

II. GIÚP BẠN GIAO TIẾP TỐT HƠN

Có hai điều quan trọng tôi muốn đề cập với bạn trong bài viết này, đó là sự sẻ chia và phê bình giữa mọi người với nhau trong giao tiếp hàng ngày.
Đầu tiên, ta hãy xem thử có cách nào giúp mọi người có thể trao đổi thông tin cho nhau tốt hơn? Bạn hãy tạo điều kiện cho đối phương (bạn bè, đồng nghiệp, người ấy...) cảm thấy thoải mái để có thể nói lên những cảm xúc, suy nghĩ, mộng tưởng, những buồn đau, phàn nàn mà không phải e ngại rằng bạn sẽ bác lại, thuyết giáo hay đơn giản bỏ ngoài tai lời họ nói. Chúng ta thường có khuynh hướng chỉ trích người khác nghiêm khắc như với chính bản thân mình nhưng lại quên rằng mỗi người đều có cảm xúc riêng của mình. Vì thế, trước hết hãy xem xét lại chính mình. Cố gắng không đổ thừa mọi vấn đề nảy sinh lên đối phương. Chính bạn chứ không phải ai khác phải kiểm soát mọi đổi thay ở mình và cái tính ưa đổ thừa. Và nữa, đừng vội vàng kể mọi chuyện không vui của mình. Thỉnh thoảng nên giữ riêng mọi phiền muộn và kể cho người khác nghe sau.

1. Phương pháp "Hoàn thành câu"
Dành thời gian để nói chuyện chân thành với nhau, cả hai bạn nên thay phiên nhau nói những vấn đề sau:
- Giao tiếp đối với mình có nghĩa là...
- Mình thấy việc khó khăn nhất khi làm thân với người khác là...
- Thỉnh thoảng mình không muốn nói chuyện vì...

2. Tự khám phá mình
- Tôi là người mà..
- Một trong những điều tôi muốn mọi người biết về tôi là...
- Thời điểm tôi muốn nói những điều quan trọng là...
- Thời điểm tôi muốn nói lên những cảm xúc của mình là...
- Nếu tôi mở lòng tâm sự với người khác thì...
- Khi người ta cố gắng nói chuyện với tôi, tôi đôi khi...

3. Phát hiện ra những trở ngại khi giao tiếp
- Nếu tôi quan tâm hơn đến phản ứng của mọi người thì...
- Thỉnh thoảng tôi cứng miệng vì...
- Tôi thường gây khó xử cho người nói chuyện với tôi khi tôi...

Điều thứ hai tôi muốn nói với bạn là cách chúng ta phê bình người khác sao cho khéo léo. Nên nhớ đó phải là một lời phê bình có tính xây dựng.
Khi bạn phê bình người khác thì phải phê bình cho chính xác, bạn hãy cố gắng cung cấp thông tin có giá trị cho người ta, giúp họ hiểu chính xác họ cần phải thay đổi cái gì. Nên nhớ rằng thái độ của người bị phê bình có thể thay đổi. Nếu họ không thể giải quyết vấn đề, bạn sẽ chỉ làm cho vấn đề thêm rối rắm. Bạn hãy cư xử quyết đoán, nói một cách quyết đoán và cố gắng đừng để cảm xúc lấn át khi nói.
Còn nữa, đừng đổ thừa hay làm bẽ mặt người khác nhé. Hãy cho họ lí do để họ thay đổi, vạch ra những ích lợi khi họ đi theo những chỉ dẫn của bạn. Hãy biết chọn thời điểm để phê bình, không phê bình người ta ở nơi công cộng và kiên nhẫn đợi người ta vui vui hãy nói.

Hãy xem phê bình chỉ là một sự phản hồi, không phải là một hình phạt nhé. Thay đổi chủ động trong mọi tình huống có thể giúp bạn thành công đấy.

III. NÓI ĐÚNG VÀ HIỆU QUẢ

Hãy nghĩ về lần cuối cùng bạn đối mặt với những tình huống mà ở đó bạn phải đứng dậy vì bản thân mình, yêu cầu thứ mà bạn cần. Với phụ nữ, việc nói ra yêu cầu, mong muốn thực sự của mình thường khó khăn hơn nam giới. Trong con mắt của xã hội, chúng ta đã quen được nhìn với những đức tính như nhu mì, nhẫn nhịn. Điều này có thể để lại hậu quả lâu dài, từ mối quan hệ nghèo nàn đến việc một sự nghiệp tầm tầm, ít được đề bạt.

HÃY KIỂM TRA XEM BẠN CÓ MẮC PHẢI NHỮNG THÓI QUEN SAU ĐÂY KHÔNG?
1. Quá cẩn trọng trong lời yêu cầu
Chúng ta thường khiến câu hỏi trở nên nhẹ nhàng hơn với những từ như "có lẽ", "ước gì" thay cho "tôi cần", "tôi muốn". Điều này làm cho câu nói của bạn có vẻ dễ nghe hơn nhưng cũng có thể gây "mập mờ" giữa lời đề nghị hay gợi ý, do đó người nghe có thể tiếp nhận nó một cách ít nghiêm túc hơn.

2. Hỏi thay vì nói rõ
Hãy cẩn thận khi chuyển lời tuyên bố của mình thành dạng câu hỏi kiểu như "Màu sắc đó thật tuyệt, phải không?" hay câu "cậu có nghĩ chúng ta nên thử một chút với món hàng đó không?". Những kiểu như vậy làm cho ý đồ của bạn trở nên không rõ ràng. Người nghe có thể sẽ hiểu bạn đang hỏi và không chần chừ gì đưa ra câu trả lời đối nghịch những gì bạn mong muốn.

3. Miễn cưỡng chấp nhận
Khi gặp một câu trả lời đối nghịch những gì bạn mong muốn, một số người lập tức "bỏ cuộc". Tuy nhiên tự nhận thức của bạn về câu trả lời có thể không chính xác. Nếu bạn gặp một câu trả lời như vậy, điều quan trọng là phải nhắc lại mong muốn của mình và yêu cầu thỏa hiệp. Thực ra, mọi người nói chung hoàn toàn thoải mái với một thỏa hiệp lành mạnh.

4. Không biết cách điều khiển ngôn ngữ, cử chỉ
Bạn có thể phát biểu không tồi nguyện vọng của mình nhưng hãy xem liệu ánh mắt, cử chỉ của bạn có nói lên những điều gì khác không.
Theo thống kế: chỉ khoảng 23% giá trị lời nói của bạn nằm ở thông điệp. Hơn 70% còn lại nằm trong giọng nói, điệu bộ, ánh mắt và chắc chắn người nghe đang quan sát bạn rất kỹ. Những nét biểu hiện trên khuôn mặt, thói quen áy náy, bồn chồn như vặn tay, cắn móng tay sẽ "mách lẻo" rằng điều bạn đang nói không phải là những gì bạn thực sự muốn.

KHẮC PHỤC BẰNG CÁCH NÀO?
1. Tự tìm hiểu rõ xem mình muốn gì và tại sao?
Việc biết rõ nhu cầu và mong muốn của mình, tầm quan trọng của chúng khiến bạn tạo ra kết quả khả quan. Hãy đánh giá cả nhu cầu của người khác và thử suy nghĩ về biện pháp có thể thỏa mãn cả hai bên.

2. Lường trước những câu trả lời có thể
Điều này dễ dàng hơn nếu bạn biết người nghe. Hãy dự tính hàng loạt những câu trả lời bạn có thể nhận được và loại trừ từng cái. Chuẩn bị kỹ lưỡng cho từng trường hợp, bạn sẽ nói thế nào, cử chỉ ra sao. Điều này giúp bạn tránh tình trạng rơi vào tình thế bất ngờ và bị động.

3. Thư giãn
Thông thường chúng ta đánh giá quá cao khả năng phủ định. Điều này gây nên sự sợ hãi và khiến việc nói ra những gì mình mong muốn trở nên khó khăn hơn. Thực ra, điều tồi tệ nhất có thể xảy ra là khi yêu cầu của bạn bị từ chối và khi đó, chúng ta tìm một biện pháp khác, vậy thôi.

4. Nói lên yêu cầu
Một khi bạn đã nhắc lại và thư giãn thì còn chần chờ gì nữa mà không tới bên “đối tượng” và nói ra mong muốn của bạn?

5. Đánh giá
Khi việc trao đổi của bạn đã hoàn thành, hãy dành một chút thời gian để đánh giá, rút kinh nghiệm cho lần sau. Hãy xem liệu nó có thể tốt hơn không, bạn đã thành công ở điểm nào? Đừng tự hành hạ mình nếu kết quả diễn ra không được như ý muốn. Thay vào đó, hãy tìm những cách khác để thực hiện mong muốn.

IV. LÀM THẾ NÀO ĐỂ TẠO SỰ TIN TƯỞNG KHI GIAO TIẾP

Nói dối rất đa dạng, chẳng hạn như nói dối theo kiểu phản xạ, nói dối đôi chút, nói dối không hại ai… Chúng có tác dụng rất khác nhau lên người tiếp nhận. Với người nói dối, hậu quả thấp nhất mà họ chắc chắn phải chịu chính là sự day dứt trong tâm hồn. Dưới đây, chúng ta đề cập đến nói dối vô hại hàng ngày chứ không xét nói dối như là một bệnh lý.

Tại sao chúng ta lại nói dối hoặc nói tránh sự thật, trong khi có nhiều cách giao tiếp khéo léo rất chân thật và đúng mực?

Đây là một số lý do: nói dối để tránh mâu thuẫn, tránh làm người khác nổi giận hay tránh tổn thương cảm xúc người khác hoặc khiến họ cảm thấy bị hạ thấp hay buồn phiền, để được kính trọng và nể phục, để có quyền lực, để tránh phiền toái, tránh nhận lỗi, tránh va chạm, để mọi việc được suôn sẻ...

Điều thú vị là những lí do để nói dối thường có mục đích tốt, trừ một số trường hợp xuất phát từ cái tôi cá nhân hay bản tính tự kiêu. Mặc dù vậy, cách mà những mục đích này được thực hiện thật khó mà chấp nhận được thậm chí nó còn làm cho các mối quan hệ trở nên miễn cưỡng cũng như gây ra sự không thanh thản trong tâm hồn.

Chúng ta có thể nói thật một cách khéo léo trong những tình huống nêu trên hay không? Thông thường, câu trả lời là có. Tuy nhiên, nó đòi hỏi phải thực tập thường xuyên và có suy xét.

Sau đây là một số lời khuyên giúp chúng ta bỏ được thói quen lảng tránh sự thật để có thể giao tiếp một cách chân thành và đúng mực.

THAY ĐỔI SUY NGHĨ

Chúng ta nói dối vì muốn kiểm soát được tình huống. Tuy nhiên đó lại là một lựa chọn thiếu khôn ngoan vì nói thật mới làm cho các khả năng cũng như kết quả của vấn đề được gợi mở và giải quyết.

Với những người đã quen nói dối, đầu tiên phải thay đổi suy nghĩ. Nói dối thường được hình thành trong thời thơ ấu hay thời gian trước đây nên cần có sự quan tâm, khéo léo và kiên trì để từ bỏ nó và thay bằng một thói quen mới, tốt hơn.

HIỂU ĐƯỢC KHI NÀO VÀ TẠI SAO CHÚNG TA NÓI DỐI

Động lực nào khiến ta cho rằng nói dối là giải pháp tốt nhất? Nỗi sợ hãi nào đang ẩn sau quyết định đó? Chẳng hạn như, sợ phạm sai lầm, sợ bị cho là không tốt hay thô lỗ nếu nói thật, sợ không đủ khéo léo để nói thật mà không làm tổn thương hay phiền lòng người khác...

Thử đặt câu hỏi, trong những tình huống như vậy, tại sao chúng ta lại tin là nói dối sẽ làm vấn đề tốt hơn, và tốt hơn cho ai? Hãy vận dụng hiểu biết của mình để gạt bỏ những quyết định không đúng cũng như xem xét và đưa ra câu trả lời đầy đủ cho những câu hỏi nêu trên. Một khi động cơ để nói dối của chúng ta không thỏa đáng, tốt hơn nên kìm lại và tìm cách giải quyết khác.

XEM XÉT MỌI KHẢ NĂNG TRƯỚC KHI HÀNH ĐỘNG

Nói dối có thể chỉ là một quyết định nhất thời, thiếu suy xét cẩn thận. Vì vậy, trước khi định nói dối hãy chờ đợi giây lát. Nói với người đối diện rằng chúng ta cần xem lại vấn đề hay nghĩ ngợi đôi chút. Khi đó, hãy xét kĩ vấn đề cũng như động cơ và giải pháp của bản thân.

Giữ tập trung bằng cách nhớ lại những hành động hay một ai đó khiến chúng ta thấy tin cậy và yên tâm. Việc ghi nhớ này rất có ích thậm chí chúng ta cũng có thể học theo những cử chỉ đó để giao tiếp hiệu quả hơn.

Thành thật tự hỏi "điều tệ nhất có thể xảy ra nếu nói ra sự thật là gì". Những kĩ thuật cơ bản này cho phép ta ứng xử khôn ngoan và tự tin hơn.

GIẢI PHÁP ĐỀ NGHỊ

Một trong những lợi thế vô giá của việc làm chủ tư duy và giao tiếp một cách khôn ngoan là đã có những chuẩn mực nhất định mà ta có thể sử dụng đa dạng để cải thiện khả năng. Vận dụng những cách xử sự khéo léo này để tránh nói dối vì những lí do đã nêu trên.

Cứ cho rằng chúng ta có thể là người đã gây nên sự việc hay nhận thức thực tế chưa chính xác. Việc đổ lỗi cho ai đó chỉ làm ta thanh thản trong nhất thời chứ không phải trong lâu dài. Đôi khi cảm tính hoặc chưa thật sự lắng nghe hoặc chủ quan tin vào kinh nghiệm…làm sai lệch trực giác cũng như khả năng thấu hiểu của chúng ta về các tình huống. Nếu cảm thấy thảo luận sẽ làm sáng tỏ vấn đề, hãy trình bày với những gợi ý sau:

- Có lẽ ban đầu tôi không đúng, xin hãy thứ lỗi cho tôi…
- Theo tôi vấn đề là... bạn có nghĩ như vậy không?
- Thứ lỗi cho tôi khi nói ra điều này…

Hãy tỏ ra thông hiểu cảm xúc người đối diện "tôi biết ông rất giận về…". Sau đó, trình bày quan điểm bản thân và nói rõ điều gì dẫn đến quyết định đó. Đề nghị giải pháp có thể áp dụng được.

Hãy thừa nhận những cảm xúc cá nhân và biểu hiện nó một cách lễ độ "tôi rất thất vọng khi được biết X không thể hoàn thành đúng thời hạn. Hẳn ông có thể thấy là tôi thất vọng như thế nào". Sau đó nêu lên dự định, mong muốn của bản thân và giải pháp "tất cả những gì chúng ta nên làm là một bản kế hoạch kinh doanh để đảm bảo".

Phác họa lại sự việc một cách rõ ràng và xác định nguồn gốc để có được kết luận đúng đắn. Nếu không, chúng ta sẽ dễ phạm sai lầm khi đưa ra những nhận xét như là "có lẽ…", "tôi đoán là…" dễ dàng dẫn đến sai lệch sự thật và hiểu lầm.

LỜI KHUYÊN ĐỂ CỦNG CỐ SUY NGHĨ

Từ bỏ thói quen nói dối cần thời gian tập luyện. Hãy đặt ra những nguyên tắc cho bản thân và cương quyết thực hiện chúng, từ đó hình thành nên những thói quen tốt. Ghi nhớ những nguyên tắc này và hành động để duy trì bí quyết giao tiếp tốt đẹp, chân thành và chuẩn mực.

Hãy nuôi dưỡng sự bình tĩnh - ghi nhớ những cách ứng xử khéo léo để tự khắc phục điểm yếu và nói sự thật một cách hiệu qủa, nhẹ nhàng hơn. Mọi việc sẽ dễ dàng hơn khi chúng ta bình tĩnh và tập trung, ngược lại nếu chúng ta căng thẳng, giận dữ hay nóng vội. Hãy học hỏi sự bình tĩnh từ những bậc thầy, nhà thông thái hay nhà lãnh đạo tài tình kết hợp với sự khéo léo của bản thân để làm chủ khi giao tiếp.

Nhận thức được vai trò của người đối diện – những phản ứng của họ là sự phản chiếu cách chúng ta nói ra sự thật. Họ có thể thất vọng, đau khổ hay giận dữ, và chúng ta cũng phải học cách để cùng giải quyết sự không hài lòng đó. Hãy rút kinh nghiệm từ những sai lầm của bản thân cũng như của người khác để tự hoàn thiện khả năng ứng xử khéo léo. Đặt mình vào hoàn cảnh người khác là bước quan trọng giúp chúng ta khéo léo hơn vì khi đó ta có thể hiểu được những gì người khác cảm nhận mà ứng xử cho phù hợp.

Lập kế hoạch - quản lí thời gian là nhân tố quyết định để giữ bình tĩnh. Nên biết rõ chúng ta mong đợi gì và khi nào cũng như lập kế hoạch và vạch ra các yêu cầu cần thiết. Hãy xem xét vấn đề một cách tổng quát, không ngần ngại hỏi để hiểu rõ, hơn là hiểu nhầm và sau đó là nói dối.

Hãy thoải mái nhận lỗi - đã bao nhiêu lần chúng ta nói dối chỉ đơn giản để tránh thừa nhận "tôi đã sai", "tôi hiểu nhầm" hay "xin lỗi, tôi đã làm hỏng nó". Khi phạm lỗi, hãy hít thở thật sâu và chấp nhận nó, nói "xin lỗi" cho những hành vi không đúng. Chúng ta không chỉ cảm thấy nhẹ nhõm hơn mà còn có cơ hội để sữa chữa sai lầm. Đồng thời, biết nhận và xin lỗi làm chúng ta mạnh mẽ và chân thật hơn, giúp ích cho cuộc sống của chúng ta trong tương lai.

Hãy thu thập những nguồn động viên khích lệ - những trích dẫn lịch sử hay dẫn chứng về con người và sử dụng chúng như những kinh nghiệm trong cuộc sống hàng ngày để có thêm sức mạnh cho tâm hồn và rèn luyện thói quen nói thật.

Tập trung vào những điều là quan trọng nhất đối với chúng ta - hãy sống có lí tưởng. Nó sẽ dẫn dắt chúng ta đến những việc làm và hành động đúng, thúc đẩy chúng ta giữ vững ý chí để đạt được lí tưởng đó.


V. 8 BÍ QUYẾT LẤY LẠI SỰ TỰ TIN

Tự tin không phải là đặc tính bẩm sinh của con nguời. Những lời khuyên sau đây sẽ giúp bạn thành công hơn trong việc đối mặt với người khác và hoàn thành tốt những công việc mà bạn đảm nhận.

1. Không nên lảng tránh cái nhìn của người khác
Rất nhiều lần, khi người nào đó hướng ánh mắt về phía bạn, bạn sẽ lập tức nhìn xuống hoặc quay đầu đi nơi khác. Hãy thôi đừng lảng tránh cái nhìn của người khác nữa! Người ta giao tiếp với nhau đâu chỉ bằng lời nói, cảm xúc của cả bạn và người đối thoại đều rất quan trọng. Tất nhiên đừng làm điều gì quá quắt và cũng đừng tìm mọi cách nhìn chòng chọc vào mặt người nói chuyện với mình.

2. Biến nỗi sợ thành hành động
Bạn thường tỏ ra hoảng loạn khi rơi vào tình huống mới. Đừng tiêu phí toàn bộ năng lượng và suy nghĩ của mình vào việc che giấu nỗi sợ hãi. Trái lại, hãy biến nó thành hành động: hãy trò chuyện, chủ động giao tiếp với những người khác…

3. Thiết lập quan hệ
Rất có thể, đối với bạn việc bắt chuyện với một người không quen biết hoặc thậm chí cả với người hàng xóm của mình cũng là điều hết sức khó khăn. Hãy tự nhủ rằng tất cả mọi người đều bồn chồn lo lắng khi phải tiếp cận những người lạ. Hãy buộc mình phải chủ động thiết lập mối quan hệ, thay vì liên tục lẩn tránh nó. Điều này sẽ khiến bạn cảm thấy yên tâm hơn và dễ dàng tìm được phương thức tốt nhất để nuôi dưỡng mối quan hệ này.

4. Lao mình xuống nước
Đừng ngại khám phá những môi trường mới và gặt hái những trải nghiệm mới. Dần dần, bạn sẽ có được khả năng nhanh chóng thích nghi với hoàn cảnh mới.

5. Tôi là người tuyệt vời nhất
Hãy nhắc đi nhắc lại "Tôi có thể làm được điều này!" hoặc "Tôi là người tuyệt vời nhất!". Những suy nghĩ tích cực như vậy thường mang lại kết quả tốt với rất ít rủi ro.

6. Mạnh dạn khẳng định mình
Tất nhiên, nói thật to chưa hẳn là một biểu hiện của cảm giác tự tin, nhưng điều này sẽ giúp khẳng định lại niềm tin của bạn. Thế chẳng tốt hơn là bạn cứ lí nhí trong mồm và lấy tay che miệng sao? Nhớ nhìn thẳng vào mắt người đối thoại với bạn.

7. Đừng chọn những mục tiêu không thực tế
Sự thiếu tự tin bắt nguồn từ cảm giác thường xuyên thất bại? Vậy thì đừng chọn cho mình hoặc chấp nhận những mục tiêu không khả thi! Một trong những bí quyết then chốt của lòng tự tin chính là chủ nghĩa thực tế: Bạn cần biết rõ các khả năng cũng như những hạn chế của chính mình. Hãy chia nhỏ mục tiêu thành những giai đoạn chuyển tiếp nhỏ. Thành công trong những bước này sẽ giúp bạn hoàn thành mục tiêu cuối cùng, với điều kiện là nó nằm trong khuôn khổ của sự hợp lý.

8. Hoàn thiện mình
Bao giờ cũng vậy, để hạn chế thất bại, bạn phải biết rõ các lỗi lầm của mình. Hãy phân tích chính xác nguyên nhân gây ra những sai lầm trong quá khứ, cả trong sự nghiệp cũng trong đời sống riêng tư. Và để tránh lặp lại những chuyện không hay, bạn chỉ có một cách là hoàn thiện mình!

VI. 6 BƯỚC ĐỂ CHIẾN THẮNG BỆNH LƯỠNG LỰ

Bước 1:
Hãy quyết định nếu bạn thật sự muốn làm một việc nào đó. Có thể kết quả sẽ không mang lại cho nỗ lực của bạn một sự đền bù tương xứng, nhưng bạn đã "làm" và "nhận" kết quả công việc.

Bước 2:
Nếu bạn muốn làm một việc nào đó, bạn hãy tự quyết định sẽ thực hiện công việc đó ngay vào lúc đang suy nghĩ hoặc sẽ làm vào lúc nào. Hãy cho công việc đó một tên gọi cụ thể và thời điểm để thực hiện và hãy thực hiện.

Bước 3:
Thông thường, giây phút lưỡng lự xảy ra khi bạn chợt nhận ra mình nên làm việc này, việc kia hoặc khi bạn vấp phải một vấn đề khá nan giải. Lúc đó, bạn hãy dũng cảm nói to với chính mình: "Nào, STOP" và bắt tay vào làm việc.

Bạn hãy trả lời câu hỏi: "Điều gì khiến mình lưỡng lự như thế này nhỉ?", câu trả lời có thể là: "Việc đó khó quá, có cách nào làm dễ hơn, vui hơn không?". Giải pháp trong trường hợp này là: Hãy chia công việc thành từng phần để dễ thực hiện, nên bắt đầu từ việc nhẹ nhàng nhất hoặc bạn sẽ nhờ đến sự trợ giúp ở phần việc khó nhất. Đừng tự ti cho rằng mình không đủ sức và nghiệp vụ để nhận lãnh một việc làm mà mình rất thích.

Hãy đánh giá khả năng của mình, nếu bạn không tự tin lắm hãy tham dự các khóa huấn luyện, hoặc trường hợp công việc quá sức mình hãy mạnh dạn thay đổi chỗ làm việc khác phù hợp hơn.

Bước 4:
Hãy gọi điện hoặc gặp trực tiếp người có liên quan đến công việc. Đây là con đường ngắn nhất và hiệu quả nhất để bạn giải quyết công việc, thay vì chỉ ngồi phỏng đoán hoặc mất thời gian để hỏi han những người không thể cung cấp thông tin chính xác cho bạn, đơn giản vì không phải phạm vi công việc, chức năng của họ.

Bước 5:
Khi công việc hoàn tất, bạn nên dành thời gian kiểm nghiệm lại kết quả công việc. Khoảng thời gian này không nhiều nhưng quan trọng, giúp bạn nhìn lại và rút tỉa kinh nghiệm. Nếu bạn thực sự chưa hài lòng, hãy nhờ đến một chuyên viên có kinh nghiệm về lĩnh vực công việc bạn đã làm nhờ họ chỉ vẽ thêm.

Bước 6:
Hãy thư giãn, ăn món mình thích, chơi thể thao như một cách tự thưởng cho mình vì đã chia tay với "bệnh" lưỡng lự. Song bạn cần nhớ, "căn bệnh" bạn vừa chia tay có thể tái phát. Điều này có nghĩa là bạn cần chuyển tải mọi công việc cần, sẽ và phải làm lên lịch làm việc và đừng bỏ qua bất kể những kế hoạch đã định ra.

VII. LÀM THẾ NÀO ĐỂ TRỞ THÀNH MỘT NGƯỜI ĐÁNG YÊU

Trở thành một người đáng yêu không có nghĩa là bạn phải gò ép những cảm xúc, hành động, cách cư xử của bạn theo những nguyên tắc, tiêu chuẩn cứng nhắc. Bằng cách ghi nhớ những mẹo nhỏ này, bạn có thể trở nên một con người đáng yêu, tự tin, khỏe khoắn hơn nhiều.

Bạn phải ý thức được những suy nghĩ và cảm xúc của mình một cách khách quan. Hãy tự suy nghĩ về những tính xấu của chính bản thân mình như là nóng tính, hay tự ti, hay ghen tỵ, tham lam, khó tính, vô trách nhiệm, thiếu kiên nhẫn, ưa... gây sự.

Bạn có 2 lựa chọn: hoặc là tiếp tục sống với những suy nghĩ/cảm xúc tiêu cực đó, hoặc là phớt lờ nó và thay thế nó bằng hướng suy nghĩ/cảm xúc tích cực khác.

Tuy nhiên, bạn hãy nói "không" với những suy nghĩ tiêu cực. Có thể bạn không tin là bạn có đủ sức mạnh để vượt qua những suy nghĩ/cảm xúc ấy, nhưng mỗi khi phát hiện ra mình đang suy nghĩ một cách tiêu cực về một thứ gì đó, hãy chặn đứng suy nghĩ ấy ngay lập tức. Hãy hét "STOP" thật to! (Vâng, điều này ban đầu trông có vẻ ngớ ngẩn, nhưng hãy thử mà xem!) Sau một khoảng thời gian, bạn sẽ nhận ra những suy nghĩ/cảm xúc tiêu cực không còn nữa. Hãy để cho đầu óc luôn bận rộn với những suy nghĩ lạc quan và thay thế những suy nghĩ tiêu cực một cách quả quyết, cứng rắn. Cách này sẽ khiến cho tâm trí bạn luôn bận rộn đến nỗi mà bạn không có thời gian để than thở, càm ràm về những điều vô nghĩa.

Hãy viết ra những câu châm ngôn của chính bạn, về những gì mà bạn mong muốn đạt được. Viết những câu ấy ra một tờ giấy và dán nó trên chiếc gương ở trong nhà tắm. Mỗi sáng, sau khi đánh răng, hãy đọc to nó lên! Bạn càng lặp lại nhiều lần, bạn càng có thêm lòng tin vào nó. Hãy năng làm việc tốt. Mỗi ngày hãy làm một điều gì có ích cho ai đấy, nhưng đừng có đi khoe khoang khắp nơi là "Tôi đã làm việc tốt!!!". Cho người ăn xin vài trăm đồng, những người già một tờ báo, "bo" cho người phục vụ. Cư xử như một người tuyệt vời sẽ làm cho bạn cảm thấy tuyệt vời. Tự "tán thưởng" mình về điều đó, nhưng cũng đừng quá phóng đại nhé!!!

Hãy hưởng thụ những gì bạn yêu thích,và tự nhủ rằng bạn xứng đáng với điều đó. Bạn cũng có thể đi chơi thể thao, hoặc đi mua sắm. Nên nhớ, những giờ phút ấy sẽ khiến đầu óc của bạn thoải mái nhất, vui vẻ nhất sau những ngày học tập và làm việc căng thẳng do đó hãy... tận hưởng nhé!


VIII. NHỮNG ĐIỀU CHƯA BIẾT VỀ LÒNG TỰ TRỌNG CỦA BẠN

Có thể hiểu lòng tự trọng là những quan điểm, suy nghĩ của bạn về chính bản thân mình dựa trên thái độ của bạn đối với:

- Giá trị bản thân.
- Công việc bạn đang làm.
- Những thành tựu bạn đạt được.
- Suy nghĩ của bạn về người khác.
- Lý tưởng sống.
- Vị trí của bạn.
- Những điều bạn có thể đạt được trong tương lai.
- Điểm mạnh và điểm yếu của bạn.
- Địa vị xã hội và mối quan hệ của bạn với mọi người.
- Sự tự lập hay khả năng đứng vững trên đôi chân của mình.

Thế nào là lòng tự trọng thấp?
Lòng tự trọng thấp xuất phát từ việc bạn thiếu thái độ tích cực về một trong những điều trên đối với chính mình. Chẳng hạn: bạn không đánh giá cao công việc mà bạn đang làm hay bạn cảm thấy sống không có mục đích và lí tưởng.

Thế nào là lòng tự trọng cao?
Tự trọng cao thì ngược lại, Đó là một nhân tố tất yếu trong cuộc sống của bạn. Một khi biết tôn trọng bản thân, bạn sẽ cảm thấy tự tin, hạnh phúc và vững tin vào chính mình. Không những thế, đó còn là động lực mạnh mẽ cho bạn tiến bước và gặt hái thành công. Chính vì thế lòng tự trọng là một nhân tố quan trọng và là nền tảng định hình thái độ lạc quan của bạn về cuộc sống.

Người thiếu lòng tự trọng luôn dựa vào những điều họ đang làm trong hiện tại để nhìn nhận, đánh giá mình. Họ luôn cần những kinh nghiệm từng trải để dung hòa những cảm giác và suy nghĩ tiêu cực, những điều luôn ám ảnh họ. Và thậm chí, cảm xúc vui vẻ thì cũng chỉ là nhất thời.

Người biết tôn trọng bản thân luôn có khả năng nhận xét, đánh giá mình một cách chính xác trong bất cứ trường hợp nào. Điều này có nghĩa họ luôn biết rõ đâu là điểm mạnh, điểm yếu của mình, đồng thời thừa nhận giá trị bản thân mà không cần điều kiện.

Lòng tự trọng có từ đâu?
Lòng tự trọng hình thành và phát triển trong suốt cuộc sống khi chúng ta hình thành trong đầu hình tượng về chính mình bằng những trải nghiệm với mọi người và hoạt động xung quanh chúng ta. Những trải nghiệm trong thời thơ ấu đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành nên lòng tự trọng. Khi lớn lên, thành công hay thất bại, ngay cả cách đối xử của gia đình, bạn bè, thầy cô đối với bạn… đều tác động trực tiếp và góp phần hình thành nên lòng tự trọng của mỗi người.
Lòng tự trọng chủ yếu được phát triển trong thời thơ ấu
Các yếu tố ảnh hưởng đến sự hình thành lòng tự trọng của trẻ: trẻ được khen thưởng; được lắng nghe; được người khác tôn trọng khi giao tiếp trò chuyện; sự quan tâm, âu yếm của gia đình, và thành công trong học tập hay vui chơi thể thao. Một yếu tố không thể thiếu là đó là một người bạn đáng tin cậy.

Sự thiếu lòng tự trọng
Những trải nghiệm trong thời thơ ấu có thể dẫn đến sự thiếu lòng tự trọng của trẻ, bao gồm: bị chỉ trích gay gắt, thậm tệ; bị la mắng đánh đập hoặc không được quan tâm chăm sóc; bị người khác nhạo báng, chế giễu, đùa cợt…, gia đình đòi hỏi trẻ phải luôn tốt về mọi mặt. Đồng thời sự thất bại trong học tập, thể thao cũng là yếu tố dẫn đến thái độ tiêu cực của trẻ đối với bản thân.

Mọi người cho rằng, những người thiếu tự trọng, một khi đã thất bại trong lĩnh vực học tập, vui chơi… cũng có nghĩa là hoàn toàn thất bại về tất cả.


Nội tâm của bạn nói lên điều gì? (tiếng lòng)
1. Những kinh nghiệm, điều từng trải của bạn mặc dù ít khi được nghĩ đến nhưng vẫn tồn tại và dần trở thành lời nói nội tâm của bạn.

2. Mỗi người có "cách lắng nghe” tiếng lòng mình khác nhau nhưng nó diễn tả cùng một nội dung, lặp lại những thông điệp ban đầu..

Đối với người có lòng tự cao, lời nói của họ luôn khách quan và làm yên lòng người khác. Nhưng người thiếu tự trọng thì ngược lại, lời nói nội tâm của họ sẽ trở thành những lời chỉ trích cay độc đoán, lời phê bình hay thậm chí làm giảm uy tín, giá trị của những điều họ đạt được.

Ba kiểu người thiếu lòng tự trọng : Hầu hết chúng ta đều có ý niệm về sự thiếu lòng tự trọng, nhưng để nhận ra nó thì không dễ tý nào. Thông thường, người thiếu tự trọng thuộc 3 loại người sau đây:

1. Kẻ lừa đảo: Bề ngoài họ tỏ vẻ hạnh phúc, thành công nhưng bên trong họ luôn sợ hãi vì những thất bại của mình. Họ cần sự thành đạt để che dấu sự tự cao giả tạo và điều này biến họ thành kẻ luôn cầu toàn, do dự và thích ganh đua.

2. Kẻ nổi loạn: Cố gắng chứng minh mình có quan điểm, thiện chí như bao người khác, đặc biệt là những người có vai vế, quyền lực; cuộc sống đầy những bực bội vì cảm giác "chưa đủ". Đối với họ, những lời phán xét hay chỉ trích của người khác không làm tổn thương họ, do đó họ trở thành kẻ chỉ trích người khác quá đáng, vi phạm luật thậm chí muốn chống đối kịch liệt.

3. Kẻ bại trận: Hành động một cách ngớ ngẩn, vô ích để chống lại mọi thứ rồi chờ người khác đến giải cứu; tỏ vẻ đáng thương hại hay vẻ thờ ơ nhằm trốn tránh trách nhiệm thay đổi cuộc sống chính mình; luôn luôn trông chờ vào sự hướng dẫn của người khác do đó trở thành người thiếu quyết đoán, khó thành đạt và hay ỷ lại.


Hậu quả của việc thiếu lòng tự trọng
Thiếu lòng tự trọng có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng sau :

1. Luôn cảm thấy cố đơn, lo lắng, căng thẳng và nguy cơ mắc chứng trầm cảm cao.

2. Gặp rắc rối với bạn bè cũng như trong các quan hệ khác.

3. Giảm sức học và hiệu quả làm việc.

4. Dễ thất bại và dễ bị tổ thương do nghiện rượu và thuốc lá.

5. Tệ nhất là, những hậu quả này khiến họ trở nên mặc cảm với bản thân, tinh thần ngày càng sa sút, thậm chí có hành vi gây hại đến cả bản thân mình.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét